Câu phức trong tiếng Anh (Complex sentence) là một chủ đề ngữ pháp rất thường hay gặp trong giao tiếp cũng như thường được ra trong các bài kiểm tra và bài thi THPT. Hãy cùng EIV Education tìm hiểu một cách chi tiết về câu phức cũng như ý nghĩa và cách dùng của nó trong tiếng Anh qua bài viết dưới đây nhé!
Câu phức trong tiếng Anh là gì?

Câu phức trong tiếng Anh là câu chứa một mệnh đề độc lập và có ít nhất một mệnh đề phụ thuộc. Mệnh đề độc lập và (các) mệnh đề phụ thuộc được kết nối với nhau bằng các liên từ phụ thuộc hoặc mệnh đề quan hệ.
Ví dụ:
- Because I studied hard, I passed the recent Math exam. (Bởi vì tôi chăm học nên tôi đã đậu kì thi Toán vừa rồi).
- Although this is a fairly new movie, I’m not interested in it. (Mặc dù đây là một bộ phim khá mới mẻ nhưng tôi không hứng thú với nó).
Nhìn vào ví dụ trên có thể thấy trong cả câu tiếng Việt hay tiếng Anh đều chứa 2 thành phần chủ ngữ – vị ngữ, chúng được liên kết với nhau bằng các từ nối như “because” (vì….nên) và “although” (mặc dù…..vẫn). Trong tiếng Việt gọi loại câu này là câu ghép chính phụ, tiếng Anh gọi là câu phức (complex sentence).
Mệnh đề độc lập, mệnh đề phụ thuộc trong tiếng Anh
Từ định nghĩa trên chúng ta có 2 thuât ngữ là “mệnh đề độc lập” và “mệnh đề phụ thuộc”. Vậy 2 thuật ngữ này mang ý nghĩa gì đối với câu phức trong tiếng Anh?
Mệnh đề độc lập
Mệnh đề độc lập (independent clause) là một mệnh đề có thể tồn tại độc lập và tạo thành một câu hoàn chỉnh với đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ.
Ví dụ: I have completed the assignment, but I haven’t submitted it yet. (Tôi đã hoàn thành bài tập, nhưng tôi vẫn chưa nộp).
→ Trong câu này, cả hai mệnh đề “Tôi đã hoàn thành bài tập” và “tôi vẫn chưa nộp” đều có thể đứng một mình và tạo thành một câu hoàn chỉnh.
Mệnh đề phụ thuộc
Mệnh đề phụ thuộc (dependent clause) là mệnh đề phải kết hợp với mệnh đề độc lập để tạo thành một câu có ý nghĩa hoàn chỉnh và thường đi kèm với một số liên từ phụ thuộc phổ biến như: although, because, after, before, when, while, since…
Ví dụ: When I arrived home, I called you. (Khi tôi đến nhà, tôi đã gọi điện cho bạn).
→ Trong câu này, “Khi tôi đến nhà” là một mệnh đề phụ thuộc vì nó không thể tồn tại một mình để tạo thành một câu hoàn chỉnh, mệnh đề độc lập là “Tôi đã gọi điện cho bạn”, hai mệnh đề này cùng nhau tạo thành một câu có ý nghĩa hoàn chỉnh.
Trong câu phức, mệnh đề phụ thuộc là mệnh đề đứng cạnh liên từ phụ thuộc, thường được dùng để cung cấp thông tin bổ sung cho mệnh đề độc lập. Mệnh đề độc lập, hay còn gọi là mệnh đề chính, chứa thông tin mà người viết muốn nhấn mạnh.
Các loại câu phức trong tiếng Anh

Câu phức sử dụng liên từ phụ thuộc trong tiếng Anh
Diễn đạt mối quan hệ nguyên nhân – kết quả
Dấu hiệu nhận biết: Because/ because of/ since/ as/ due to/ owing to (bởi vì, do)
Cấu trúc theo sau bởi một mệnh đề:
Because/ since/ as + mệnh đề, mệnh đề
Mệnh đề + because/ since/ as + mệnh đề
Ví dụ:
- Because I was tired, I went to bed early. (Vì tôi mệt, nên tôi đi ngủ sớm).
- I went to bed early because I was tired. (Tôi đi ngủ sớm vì tôi mệt).
Cấu trúc theo sau bởi một danh từ:
Because of/ due to/ owing to + danh từ/ danh động từ, mệnh đề
Mệnh đề + because of/ due to/ owing to + danh từ/ danh động từ
(Lưu ý: cấu trúc thứ 2 không có dấu “,” giữa 2 vế)
Ví dụ:
- Because of the bad weather, the match was postponed. (Do thời tiết xấu, trận đấu đã bị hoãn lại).
- The match was postponed because of the bad weather. (Trận đấu đã bị hoãn lại do thời tiết xấu).
Diễn đạt mối quan hệ nhượng bộ
Dấu hiệu nhận biết: Although/ even though/ though/ despite/ in spite of
Cấu trúc theo sau bởi một mệnh đề:
Although/ even though/ though + mệnh đề, mệnh đề
Mệnh đề + although/ even though/ though + mệnh đề
Ví dụ:
- Although it was raining, I went for a walk. (Mặc dù trời đang mưa, nhưng tôi đi bộ).
- I went for a walk although it was raining. (Tôi đi bộ mặc dù trời đang mưa).
Cấu trúc theo sau bởi một danh từ:
Despite/ in spite of + danh từ/ danh động từ, mệnh đề
Mệnh đề + despite/ in spite of + danh từ/ danh động từ
(Lưu ý: cấu trúc thứ 2 không có dấu “,” giữa 2 vế)
Ví dụ:
- Despite the bad weather, we decided to go for a walk. (Mặc dù thời tiết xấu, chúng tôi quyết định đi dạo).
- We decided to go for a walk despite the bad weather. (Chúng tôi quyết định đi dạo mặc dù thời tiết xấu).
Diễn đạt mối quan hệ tương phản
Dấu hiệu nhận biết: While/ whereas (trong khi)
Cấu trúc:
While + mệnh đề, mệnh đề
Mệnh đề + while/ whereas + mệnh đề
(Lưu ý: “whereas” không dùng ở đầu câu)
Ví dụ:
- While I love to travel, my brother prefers to stay at home. (Tuy tôi rất thích đi du lịch, nhưng anh trai tôi lại thích ở nhà).
- My sister loves hot weather, whereas I prefer cooler climates. (Chị tôi thích thời tiết nóng, trong khi tôi lại thích khí hậu mát mẻ hơn).
Diễn đạt mục đích
Dấu hiệu nhận biết: In order that/ so that (để mà)
Cấu trúc:
Mệnh đề + in order that/ so that + mệnh đề
(Lưu ý: Ở cấu trúc này, cả 2 liên từ chỉ mục đích không dùng ở đầu câu)
Ví dụ:
- She is studying hard so that she can pass the exam. (Cô ấy đang học hành chăm chỉ để có thể qua kỳ thi).
- He left early in order that he could arrive on time. (Anh ta đã rời đi sớm để có thể đến đúng giờ).
Diễn đạt thời gian
Thường sử dụng các liên từ sau:
- After (sau khi)
- Before (trước khi)
- Since (kể từ khi)
- Until/ till (cho đến khi)
- When (khi, lúc)
- While (trong khi)
Cấu trúc chung:
Liên từ phụ thuộc + mệnh đề, mệnh đề
Mệnh đề + liên từ phụ thuộc + mệnh đề
Ví dụ:
- After I finish my work, I will go home. (Sau khi tôi hoàn thành công việc, tôi sẽ về nhà).
- Before you go to bed, don’t forget to brush your teeth. (Trước khi đi ngủ, đừng quên đánh răng).
Trong câu phức chứa mệnh đề thời gian, nếu chủ ngữ của cả hai mệnh đề giống nhau, ta có thể viết câu dưới dạng rút gọn bằng cách chuyển động từ chính ở mệnh đề chính sang dạng động từ đuôi -ing.
Ví dụ:
- Tom went to bed early because he was tired. (Tom đi ngủ sớm vì anh ấy mệt).
→ Tom went to bed early, feeling tired. (Tom đi ngủ sớm, cảm thấy mệt).
- Jane studied hard for the exam because she wanted to get a good grade. (Jane học hành chăm chỉ cho kỳ thi vì cô ấy muốn đạt điểm tốt).
→ Jane studied hard for the exam, wanting to get a good grade. (Jane học hành chăm chỉ cho kỳ thi, mong muốn đạt điểm tốt).
Diễn đạt giả thuyết
Dấu hiệu nhận biết: If (nếu)/ unless (nếu… không)/ in case (phòng khi)/ as long as (miễn là)
Cấu trúc:
If/ unless/ in case/ as long as + mệnh đề, mệnh đề
Mệnh đề + If/ unless/ in case/ as long as + mệnh đề
(Lưu ý: Mệnh đề chứa “unless” luôn ở dạng khẳng định)
Ví dụ:
- If I have time, I will go to the cinema with you (Nếu tôi có thời gian, tôi sẽ đi xem phim với bạn).
- Unless you study hard, you won’t pass the exam (Nếu bạn không học chăm chỉ, bạn sẽ không qua kỳ thi).
- In case it rains, we will stay at home. (Phòng khi trời mưa, chúng ta sẽ ở nhà).
- As long as you are happy, I am happy too. (Miễn là bạn hạnh phúc, tôi cũng hạnh phúc).
Câu phức sử dụng mệnh đề quan hệ trong tiếng Anh

Sử dụng đại từ quan hệ “who”
Cách dùng: Bổ sung ý nghĩa cho danh từ chỉ người đóng vai trò chủ ngữ hoặc tân ngữ trong câu
Cấu trúc:
Danh từ chỉ người + who + V/ O
Danh từ chỉ người + who + mệnh đề
Ví dụ: The woman who I met at the party is a famous actress. (Người phụ nữ mà tôi gặp ở bữa tiệc là một nữ diễn viên nổi tiếng).
Sử dụng đại từ quan hệ “whom”
Cách dùng: Bổ sung ý nghĩa cho danh từ chỉ người đóng vai trò tân ngữ hoặc tân ngữ sau giới từ trong câu
Cấu trúc:
Danh từ chỉ người + whom + O
Danh từ chỉ người + whom + mệnh đề
Ví dụ: The man whom I met yesterday was very friendly. (Người đàn ông mà tôi gặp hôm qua rất thân thiện).
Sử dụng đại từ quan hệ “which”
Với “which” có 2 cách dùng:
– “which” bổ sung ý nghĩa cho từ chỉ vật
Cách dùng: Bổ sung ý nghĩa cho danh từ chỉ sự vật, sự việc đống vai trò chủ ngữ hoặc tân ngữ trong câu
Cấu trúc:
Danh từ chỉ sự vật/ việc + which + V/ O
Danh từ chỉ người + which + mệnh đề
Ví dụ: The book which I borrowed from the library is very interesting. (Cuốn sách mà tôi mượn từ thư viện rất thú vị).
– “which” bổ sung cho mệnh đề phía trước
Cấu trúc: Mệnh đề + which + mệnh đề (V ở dạng số ít)
Ví dụ: I missed the bus, which made me late for work. (Tôi lỡ xe buýt, điều đó khiến tôi muộn đến công việc)
Sử dụng đại từ quan hệ “whose”
Cách dùng: Bổ sung ý nghĩa sở hữu cho danh từ chỉ người, sự vật, hay sự việc
Cấu trúc:
Danh từ + whose + danh từ + V/ O
Danh từ + whose + danh từ + mệnh đề
Ví dụ: The house whose roof was damaged in the storm is being repaired. (Ngôi nhà mà mái bị hư hỏng trong cơn bão đang được sửa chữa)
Sử dụng đại từ quan hệ “that”
Cách dùng: Bổ sung ý nghĩa cho danh từ chỉ người hoặc vật, có thể dùng thay thế cho who, which
Cấu trúc:
Danh từ + that + V/ O
Danh từ + that + mệnh đề
Ví dụ: The book that I borrowed from the library is very interesting. (Cuốn sách tôi mượn từ thư viện rất thú vị).
Câu phức sử dụng trạng từ quan hệ trong tiếng Anh
Sử dụng trạng từ quan hệ “when”
Cách dùng: Bổ nghĩa cho danh từ chỉ thời gian
Cấu trúc: Danh từ chỉ thời gian + when + mệnh đề
Ví dụ: The day when we met was a beautiful day. (Ngày chúng tôi gặp nhau là một ngày đẹp).
Sử dụng trạng từ quan hệ “where”
Cách dùng: Bổ nghĩa cho danh từ chỉ nơi chốn
Cấu trúc: Danh từ chỉ nơi chốn + where + mệnh đề
Ví dụ: I come from Da Nang City, where I grew up. (Tôi đến từ thành phố Đà Nẵng, nơi mà tôi đã lớn lên).
Sử dụng trạng từ quan hệ “why”
Cách dùng: Bổ sung ý nghĩa cho danh từ chỉ lý do trong câu
Cấu trúc: Danh từ chỉ lý do + why + mệnh đề
Ví dụ: He is the reason why I quit my job. (Anh ấy là lí do tại sao tôi nghỉ việc.)
Phân biệt câu ghép và câu phức trong tiếng Anh
Câu phức và câu ghép là hai loại câu gồm ít nhất hai mệnh đề. Tuy nhiên, để phân biệt hai loại câu này, ta cần lưu ý rằng câu phức có ít nhất một mệnh đề phụ thuộc và một mệnh đề độc lập. Mệnh đề phụ thuộc trong câu phức thường được sử dụng để giải thích, bổ sung ý nghĩa cho mệnh đề chính.
Ví dụ: I like reading books because it helps me improve my knowledge. (Tôi thích đọc sách vì nó giúp tôi nâng cao kiến thức của mình).
Trong khi đó, câu ghép là một loại câu có ít nhất hai mệnh đề độc lập. Các mệnh đề độc lập trong câu ghép có ý nghĩa ngang nhau và thường được nối với nhau bằng các liên từ như “and”, “or”, “but”, “however”.
Ví dụ: I like reading books and watching movies. (Tôi thích đọc sách và xem phim).
Lưu ý trong khi đặt dấu phẩy trong câu phức trong tiếng Anh
- Câu phức và câu ghép đều có thể không sử dụng liên từ mà thay vào đó sử dụng dấu phẩy để phân cách các vế câu. Tuy nhiên, mệnh đề phụ thuộc trong câu phức phải có tầm quan trọng về ý nghĩa và thường đặt ở bất kỳ vị trí nào trong câu.
- Khi đặt mệnh đề phụ thuộc ở đầu câu, ta có thể sử dụng dấu phẩy.
- Câu ghép gồm ít nhất hai mệnh đề độc lập và các mệnh đề này có tầm quan trọng về ý nghĩa ngang nhau. Để phân biệt, cần chú ý đến sự khác nhau về cấu trúc và ý nghĩa của hai loại câu này. Việc phân biệt đúng giữa câu phức và câu ghép sẽ giúp cho việc sử dụng trong văn phong, luyện thi tiếng Anh cũng như trong giao tiếp trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
Trên đây là bài tổng hợp về câu phức trong tiếng Anh do đội ngũ EIV sưu tầm và biên soạn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc và cách sử dụng của câu phức trong tiếng Anh. Nếu bạn muốn nâng cao kiến thức về tiếng Anh hơn, hãy đăng ký khóa học tiếng Anh 1 kèm 1 tại EIV – với phương pháp giảng dạy độc đáo và hiệu quả, EIV cam kết giúp bạn trở thành người sử dụng tiếng Anh thành thạo và tự tin hơn trong giao tiếp cũng như các môi trường làm việc chuyên nghiệp.