Những buổi họp là cơ hội quý giá để bạn được mọi người công nhận khả năng và gặt hái được nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết cách thể hiện bản thân thông qua việc đóng góp các ý tưởng của mình. Dưới đây là 4 cách giúp bạn tự tin phát biểu trong các buổi họp.
Có sự chuẩn bị tốt
Thông thường, bạn sẽ được báo trước chủ đề của cuộc họp. Khi đó, hãy tìm những khía cạnh liên quan khiến bạn thực sự quan tâm và tự tin khi đề cập đến. Nếu muốn thuyết phục mọi người đồng tình với ý kiến/ quan điểm của mình, bạn sẽ cần dành thêm thời gian để tìm dẫn chứng, các số liệu thực tế… để tăng sức thuyết phục.
Càng chuẩn bị chu đáo, bạn sẽ càng cảm thấy vững tâm hơn khi đặt chân vào phòng họp và sẵn sàng cho mọi người thấy khả năng thực sự của mình.
Nếu bạn đột ngột bị gọi vào một cuộc họp mà không được báo trước, bạn vẫn có thể đóng góp ý kiến của mình bằng những cách sau:
- Đặt câu hỏi
- Cho ý kiến về những vấn đề người khác vừa đề cập
- Cho ý kiến theo cách của bạn
Tuy nhiên, để có thể đóng góp những ý kiến hữu ích nhất, bạn nên bước vào phòng họp trước khi buổi họp bắt đầu từ 5-10 phút để trò chuyện với mọi người hoặc tham khảo tài liệu. Bởi vì bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu đã quen và thoải mái với không khí xung quanh.
Đừng tự hoài nghi khả năng của mình
Bộ não con người có xu hướng suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn. Hãy thử nhẩm lại xem đã bao nhiêu lần bạn bắt đầu bằng những câu nói như: “Tôi biết việc này có thể không liên quan, nhưng…” hoặc “Tôi không chắc việc này có đúng không, nhưng…”?
Khi bắt đầu một câu nói với cụm từ tiêu cực, bạn đã vô tình cho mọi người thấy được sự hoài nghi với chính mình. Nếu ngay cả bạn cũng không chắn chắn với ý kiến của mình, làm sao có thể thuyết phục được những người khác? Hãy học theo những người bạn ngưỡng mộ, cách họ trình bày ý kiến có gì đặc biệt để bạn thấy thuyết phục và tin tưởng?
Tránh những từ ngữ không rõ ràng và tiêu cực
Cũng giống như trên, các từ ngữ thể hiện sự hoài nghi hoặc rụt rè sẽ khiến bạn giảm đi sự tự tin khi nói. Không chỉ vậy, nhóm từ này sẽ khiến người nghe hoài nghi, cảm thấy ý kiến của bạn không đủ sức thuyết phục. Một số từ bạn nên tránh khi phát biểu trong cuộc họp hoặc những email về công việc là:
Thực ra thì…
Chỉ là…
Gần như…
Khá là…
Có lẽ…
Tôi nghĩ/ tôi cảm thấy…
Luyện tập hàng ngày
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc phát biểu ý kiến trước đám đông, hãy bắt đầu bằng từng bước nhỏ. Bạn có thể “tập” phát biểu ý kiến trong những buổi họp hoặc brainstorm ít người, càng nói nhiều, bạn sẽ càng dạn dĩ và tự tin hơn.
Thay vì sử dụng những cụm từ tiêu cực đã nêu trên, bạn có thể đổi sang cách nói trực tiếp hơn như “Đây là ý kiến của tôi” hoặc “tôi đề nghị”, mọi người chắc chắn sẽ cảm nhận được sự tự tin và chắn chắn của bạn.
Nguồn tham khảo: Grammarly.com