Các quy định về luật lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bao gồm những gì? Người lao động nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam dưới những hình thức nào? Bạn hãy cùng EIV tìm hiểu thông tin kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé!
Điều kiện để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hợp pháp
Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật lao động năm 2019 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc, có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép.
Ngoài ra luật lao động cho người nước ngoài cũng quy định rằng, người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam ngoài các điều kiện lý lịch kể trên, còn phải đảm bảo:
- Thời hạn hợp đồng lao động của người lao động nước ngoài ký với doanh nghiệp tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động;
- Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, lao động người nước ngoài phải tuân thủ luật lao động của Việt Nam và sẽ được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ khi có quy định khác thuộc điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.
Như vậy theo luật lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì người lao động nước ngoài cần có đầy đủ các điều kiện trên để được công nhận làm việc hợp pháp tại Việt Nam.
Xem thêm: Xin cấp visa lao động cho người nước ngoài: Thủ tục và các lưu ý
Người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam dưới những hình thức nào?
Theo quy định khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động.
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.
- Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế.
- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
- Đang chào bán dịch vụ.
- Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Là tình nguyện viên.
- Là người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
- Là Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật.
- Người tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
- Là thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hơn nữa, Nghị định 70/2023/NĐ-CP(có hiệu lực thi hành từ ngày 18/9/2023) luật lao động cho người nước ngoài đã rút ngắn thời gian xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 30 ngày thành 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài so với Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Đồng thời sửa đổi Mẫu số 01/PLI; Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Xem thêm: Thủ tục gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam mới nhất
Thời hạn giấy phép lao động của người lao động nước ngoài là bao lâu?
Theo quy định tại 155 Bộ luật lao động năm 2019, thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm. Trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Do đó, Khi giấy phép lao động đã hết thời hạn 02 năm. Người lao động nước ngoài nếu muốn tiếp tục làm việc ở Việt Nam thì cần gia hạn thêm giấy phép lao động (Thời hạn cũng là 02 năm và chỉ được gia hạn 1 lần)
Giấy phép lao động cho người nước ngoài hết hiệu lực khi nào?
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật lao động năm 2019, giấy phép lao động cấp cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
- Giấy phép lao động hết thời hạn.
- Chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.
- Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.
- Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.
- Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.
- Giấy phép lao động bị thu hồi.
Xem thêm: Làm work permit cho giáo viên nước ngoài đơn giản với hướng dẫn sau
Bài viết trên EIV đã chia sẻ cho bạn thông tin về các quy định mới nhất về luật lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Hy vọng thông qua bài viết trên EIV đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định cũng như điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam và cùng xem thêm các bài viết khác của EIV về luật lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam nhé!