Chia sẻ từ bạn Hải Hà: 9.0 IELTS về việc học Tiếng Anh sao cho hiệu quả.
Đừng chỉ đọc ngôn tình
Hãy đọc thêm truyện tiếng Anh dành cho người trẻ (thể loại young adult). Các truyện này thường dùng ngôn ngữ đơn giản, xì tin, dễ thương, nội dung có mức độ sến sẩm tương đương ngôn tình. Trước khi đọc bạn có thể tra trước trên goodreads.com để xem reviews về truyện như nào, có hợp với gu của mình không. Khi đọc xong truyện có thể viết cảm nhận của mình rồi post lên đó, hoặc chụp cái hình cuốn sách cùng tách cafe post lên Instagram cho nó khí thế. Hiện nay ở Việt Nam có nhiều nơi bán truyện young adult nguyên tác tiếng Anh với mức giá vừa phải như Tiki, nhasachphuongnam, giá từ 200k/cuốn. Riêng Bookworm còn có truyện cũ, giá khoảng 50-90k/cuốn, tha hồ cho bạn lựa chọn. Nếu muốn tiết kiệm hơn nữa thì bạn có thể download ebook trên mạng về đọc trên điện thoại, tablet, hay laptop, chỉ hơi đau mắt chút thôi.
Đừng chỉ đọc kenh14
Hãy đọc cả các trang như boredpanda, distractify (nếu bạn chán học, chán làm) hay allkpop.com (nếu bạn là fan Kpop). Thông tin trên các trang này nhìn chung đều mang tính lá cải, giải trí, không cần bạn phải tra trừ điển quá nhiều, đỡ buồn ngủ hơn đọc các kênh tin tức chính thống.
Đừng chỉ xem youtuber Việt Nam
Hãy subscribe và xem cả các youtuber người Anh, Mỹ, Úc. Nếu bạn muốn xem hài, hãy subscribe Nigahiga, Kevjumba. Hướng dẫn trang điểm thì có Michelle Phan, frmheadtotoe, hướng dẫn dọn dẹp sắp xếp nhà cửa thì có homeorganizing, phim ngắn thì có wongfuproductions. Có vô vàn thứ để xem trên Youtube, hãy chọn cho mình những channel mà bạn thấy thú vị, như thế bạn sẽ không bị chán như nghe BBC news hay VOA special English. Nếu tốc độ nói quá nhanh và bạn không hiểu, hãy tìm các channels có phụ đề tiếng Anh để dễ theo dõi hơn.
Đừng chỉ xem K-drama
Hãy dành thời gian xem phim bộ Anh, Mỹ như Friends hay How I met your mother. Hai bộ này có nội dung khá đời thường, ko nhiều từ vựng lạ, và cũng sẽ mang lại tiếng cười ngặt nghẽo (nếu bạn hiểu được) nữa. Nhớ xem phụ đề tiếng Anh và ghi lại những cách diễn đạt mà bạn thích để học theo nhé!
Đừng chỉ nghe V-music
Hãy nghe cả Adele, Katy Perry, Rihanna và các ca sỹ Anh Mỹ khác. Bạn có thể nghe và tự chép lyrics, sau đó search lyrics trên mạng để điền vào những chỗ nghe sai hoặc không nghe được. Bạn cũng có thể tập hát theo và ghi âm lại, đối chiếu với bản gốc để xem bạn phát âm khác chỗ nào. Cách làm này thú vị hơn cách “gỡ băng” truyền thống vì chỉ nghe nhạc, hát hò thôi mà vẫn giỏi tiếng Anh lên đấy.
Đừng ngại “chém tiếng Anh”
Hãy chém thật nhiều, chém bất kỳ khi nào có thể, dù người khác có dè bỉu, chê bai là bạn “thích thể hiện”, “nói sai bét” đi chăng nữa. Nếu tìm được người đồng chí hướng để luyện cùng thì càng tốt, nếu không thì hãy bắt đầu bằng cách thì thầm dịch mọi thứ mà bạn nghe được sang tiếng Anh. Có thể là trong giờ Triết học, trong buổi họp tổng kết cuối năm hay khi vợ bạn đang cằn nhằn về sự bừa bộn của bạn. Đừng lo nếu bạn không thể dịch được hết, không kip hay không chính xác. Bản thân việc bạn đang chủ động diễn đạt bằng tiếng Anh cũng đã tuyệt vời rồi!
Đừng dùng flash card để học từ
Hãy tận dụng các apps trên điện thoại hoặc tablet để học từ. Cách này vừa đỡ nhàm hơn flash card truyền thống vì thường thiết kế dưới dạng games, vừa đỡ tốn diện tích, thân thiện với môi trường hơn nữa! Cá nhân mình thường dùng Quizlet, đây là app thay thế flash card truyền thống rất tiện lợi, rảnh lúc nào lôi ra nghịch lúc đấy. Nghịch 1 hồi đã thấy thuộc được 5-10 từ rồi!
Đừng bỏ cuộc
Học tiếng Anh hay bất kỳ cái gì khác cũng đều mất thời gian. Đừng kỳ vọng bản thân có thể “tiến bộ chóng mặt”, “một tấc đến giời”. Tốc độ “ngấm” của mỗi người là khác nhau, nhưng chắc chắn 1 điều là chỉ cần bạn đừng bỏ cuộc thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ giỏi lên thôi. Nếu bạn thử 1 cách và thấy nản, hãy tìm cách khác thú vị với mình hơn. Đừng ngụy biện là “mình không có môi trường” nhé, vì môi trường là do chính mình tạo ra thôi mà!
Theo Scholarship Planet