Đối với nhiều bạn mới bắt đầu con đường học ngoại ngữ, nhận được lời khuyên từ các bậc “tiền bối” là điều vô cùng quý giá. Tuy nhiên, không phải lời khuyên nào cũng thật sự hữu ích. Sau đây là 3 lời khuyên “sai lệch” nhất dành cho người học ngoại ngữ mà bạn vẫn thường nghe.
“Hãy nói từ ngày đầu tiên”
Quả là một ý tưởng rất hay.
Nhưng thực tế là bạn không thể bắt đầu cuộc trò chuyện nếu bạn chỉ nắm trong tay vài ba chữ bẻ đôi, và không biết làm thế nào để ghép chúng thành một câu hoàn chỉnh, có ý nghĩa. Hầu hết mọi người cần lượng kiến thức vừa đủ và trải qua nhiều giờ luyện nghe trước khi có đủ tự tin để nói. Không có gì sai với điều đó cả.
Và quan trọng hơn hết: không có gì kỳ lạ nếu bạn không cảm thấy bản thân có thể nói từ lúc bắt đầu. Thực tế là nhiều người bản xứ đôi khi còn gặp khó khăn để tìm từ và sắp xếp trước khi có thể nói ra suy nghĩ của họ.
Sự thật: Khẩu hình miệng của bạn cần thời gian để luyện những âm thanh mới, càng sớm càng tốt. Sẽ không tốt nếu bạn chỉ nghe và nghĩ về từ đó. Nhiều người còn tự tập nhìn khẩu hình miệng của mình trước gương. Bạn cần phải phát âm từ đó, lặp đi lặp lại những gì bạn nghe, và nếu có thể, hãy để người bản xứ sửa phát âm cho bạn.
“Đừng dịch, hãy suy nghĩ bằng ngôn ngữ mục tiêu”
Lý do đằng sau lời khuyên này chính là: Nghĩ bạn muốn nói gì bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và dịch sang ngôn ngữ mục tiêu sẽ tốn rất nhiều thời gian. Vì thế, nếu bạn có thể “nhảy cóc” sang phần thứ 2, bạn chắc chắn sẽ thông thạo ngoại ngữ ngay thôi!
Có một câu chuyện thế này: Một nhà tư vấn quản lý được giao công việc giúp hãng máy bay làm việc năng suất hơn. Mục tiêu đề ra là tiết kiệm nhiên liệu và tìm cách đưa máy bay đến đích nhanh hơn. Nhà tư vấn này phân tích rất chi tiết tất cả quy trình, tiến trình, dữ liệu và kết quả. Sau đó, anh ta đi đến kết luận và nói với một phi công lâu năm: “Có vẻ 60% nhiên liệu và 30% thời gian của anh đều nằm trong giai đoạn cất cánh và bay lên. Chúng ta phải loại bỏ hai giai đoạn này và chỉ tập trung vào hành trình bay thôi.”
Bạn đã thấy lỗ hỏng trong lối tư duy này chưa? Để có thể “bay” trong ngôn ngữ mới, trước hết bạn cần tăng khả năng của mình và đạt được một “độ cao” vừa đủ.
Sự thật: Bạn sẽ không thể nói lưu loát trong khi bạn còn cần phải dịch từng từ và từng câu một. Tuy nhiên, bạn không thể “nhiệm màu” bỏ qua giai đoạn này. Dịch trước trong đầu không có nghĩa bạn đang học theo lối tư duy không hiệu quả, hay đang làm sai. Bạn chỉ đang ở trong giai đoạn đang học, chỉ thế thôi.
“Học gì thì đến đó”
Một lời khuyên “vô bổ” nữa cũng khá phổ biến là để học ngoại ngữ, bạn cần phải “di cư” và sống ở đất nước nói ngôn ngữ đó, và chỉ 1 hay 2 năm thôi, bạn sẽ nói ngôn ngữ đó sành sỏi.
Hãy nhớ rằng bạn là người lớn, không phải là trẻ con. Nếu bạn không có nền móng kiến thức cơ bản của ngôn ngữ đó, não của bạn không thể biết nó đang tiếp thu thứ tiếng “ngoài hành tinh” gì, và sẽ bị “bội thực” thông tin.
Để có thể tiếp thu thông tin mới, não cần được rèn luyện để nhận ra, sàng lọc và phân loại thông tin trước khi sử dụng chúng. Bạn có thể chủ động giúp quá trình rèn luyện diễn ra nhanh hơn bằng cách tạo ra những “chiếc hộp” trong suy nghĩ. Một hộp dành cho ngữ pháp, một hộp dành cho từ vựng và tục ngữ, v…v.
Sự thật: Định luật hòa mình vào với ngôn ngữ.
Đôi khi trong quá trình học, bạn sẽ nhận được khá nhiều lời khuyên để cải thiện việc học ngoại ngữ của bạn, vì thế, bạn cần biết phải biết lời khuyên nào nên theo, cái nào không. Bạn nên nhớ rằng, việc học là một quá trình dài, cần nhiều mồ hôi và nước mắt, không phải một sớm một chiều. Chính vì thế, đừng nản chí mà mỗi ngày tiếp thu một chút một, đến lúc bạn đạt được “độ cao” nhất định, tức khắc bạn sẽ biết cách để “bay”.